Các vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý khi thanh tra thuế
1. Các khoản chi dịch vụ ăn uống tiếp khách
Qua thanh tra thuế tại DN, các hóa đơn dịch vụ ăn uống tiếp khách trong các năm 2012 – 2015 còn tồn tại các sai sót sau:
- Tên hàng hóa, dịch vụ: “Tiếp khách”. Theo quy định tại Quyết định về mã ngành nghề đăng ký kinh doanh thì không có ngành nghề “Tiếp khách” mà chỉ có Dịch vụ ăn uống (Đa phần các Hóa đơn bán hàng thông thường của Hộ kinh doanh mắc các lỗi này)
- Các hóa đơn có ghi Tên hàng hóa, dịch vụ là: Dịch vụ ăn uống hoặc Ăn uống tiếp khách, Cơm tiếp khách…thì chỉ ghi chung chung, không đính kèm Bảng kê chi tiết các món ăn, đồ uống.
- Theo các công văn hướng dẫn của chi cục thuế, cục thuế thì “ Các chi phí tiếp khách trong hóa đơn phải ghi rõ: Mặt hàng: Dịch vụ ăn uống và kèm theo bảng kê các món ăn, đồ uống…(theo Quy định về Các chỉ tiêu trong hóa đơn bán hàng và cung cấp dịch vụ, các trường hợp xuất hóa đơn kèm Bảng kê và Thông tư số 219/2014/TT-BTC hướng dẫn quy định chi tiết về thuế GTGT (điều kiện khấu trừ thuế); Thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định chi tiết về thuế Thu nhập doanh nghiệp (điều kiện ghi nhận Chi phí được trừ)). Do vậy, các hóa đơn chưa thực hiện đúng quy định sẽ rủi ro cao về thuế.
Vấn đề doanh nghiệp cần chú ý khi thanh tra thuế
2. Chi phí xăng xe
Trong năm 2012 - 2015, đơn vị có ghi nhận chi phí được trừ và kê khai khấu trừ thuế VAT đầu vào của các hóa đơn xăng xe. Chi phí xăng xe phát sinh khá nhiều (cao nhất khoảng xxx tr đồng/ năm) có thực sự hợp lý đối với tiêu hao nhiên liệu của 1 xe ô tô (khoảng 4 – 6 lít xăng/ 100 km)?
Doanh nghiệp cần xây dựng Nhật trình xe phục vụ, ghi rõ quãng đường đi đến, chỉ số công tơ mét, tình trạng xe, nhiên liệu…để quản lý chi phí và tránh các rủi ro bị loại thuế GTGT, chi phí được trừ khi Cơ quan thuế thanh kiểm tra.
3. Các hóa đơn cước vận chuyển
Tại thời điểm thanh tra thuế tại DN, kế toán đơn vị chưa cung cấp được các Hợp đồng vận chuyển, Bảng kê cước vận chuyển…Khi cơ quan thuế thanh kiểm tra, nếu không cung cấp được các chứng từ chứng minh các khoản chi phí cước vận chuyển là khoản chi thực tế phát sinh, phục vụ hoạt động SXKD, chứng minh cung đường đi – đến, số lượng hàng hóa vận chuyển…thì các hóa đơn này sẽ bị loại thuế GTGT, truy thu thuế TNDN. Doanh nghiệp, cần rà soát, bổ sung các giấy tờ trên để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp.
4. Trích khấu hao TSCĐ
Kế toán doanh nghiệp thực hiện trích khấu hao TSCĐ là xe ô tô không nhất quán (có sự tăng về giá trị trích khấu hao giữa các năm 2012 – 2014 với 2015), không tuân thủ theo hướng dẫn tại Thông tư số 45/2013/TT-BTC hướng dẫn về khấu hao TSCĐ (thay thế Thông tư 203/2012/TT-BCT): Khung thời gian khấu hao là từ 8 – 12 năm (Doanh nghiệp trích khấu hao trong 84 tháng); Mức trích khấu hao theo phương pháp đường thằng: giá trị khấu hao các năm phải nhất quán.